Lộ trình học tiếng nhật cho người mới bắt đầu

10/6/2019 - Lượt xem: 684
Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn

Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn lộ trình học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu, chi tiết hơn, dễ hiểu hơn, giúp các bạn mới làm quen với tiếng Nhật có thể từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu.


Tổng quan các cấp độ trong tiếng Nhật

Trước khi bắt đầu chặng đường chinh phục ngôn ngữ này, hãy cùng điểm qua đôi nét về các cấp độ trong tiếng Nhật.

Tiếng Nhật được chia thành 3 cấp độ từ cơ bản tới nâng cao: Sơ cấp Trung cấp Cao cấp. Mỗi cấp độ đòi hỏi người học có một lượng kiến thức nhất định. Để xác định bạn đã đạt tới cấp độ đó hay chưa, hàng năm kỳ thi năng lực Nhật ngữ (viết tắt JLPT) lại được tổ chức để giúp người học có thể đánh giá năng lực của mình. Có thể nói, chứng chỉ JLPT chính là mục tiêu mà đa số người học tiếng Nhật hướng tới. Hàng năm, kỳ thi này được Hiệp hội hỗ trợ giáo dục quốc tế Nhật Bản và Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức 2 đợt vào tháng 7 và tháng 12.

Kỳ thi năng lực Nhật ngữ JLPT được chia thành 5 cấp bậc kiểm tra từ thấp tới cao N5 N4 N3 N2 N1. Trong đó, N5, N4 tương đương trình độ sơ cấp. N3 tương đương trình độ trung cấp. N2, N1 tương đương trình độ cao cấp.

Ngoài kỳ thi này còn một số kỳ thi uy tín khác như: NATTEST, Top J, BJT. NATTEST được tổ chức 6 đợt vào các tháng chẵn trong năm. Ngược lại, Top J được tổ chức 6 đợt vào các tháng lẻ trong năm. BJT được tổ chức 2 đợt mỗi năm vào tháng 6 và tháng 11.

Lộ trình học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu

Bước chuẩn bị

Khi quyết định học tiếng Nhật, các bạn sẽ rất háo hức và muốn bắt đầu học ngay. Tuy nhiên, vì là người mới nên sẽ có nhiều bạn không biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào. Vậy trước tiên hãy cùng thực hiện các bước chuẩn bị dưới đây nhé!

1. Xác định mục tiêu và quyết tâm học tiếng Nhật

Xác định mục tiêu và quyết tâm học tiếng nhật là một việc làm quan trọng. Tại sao lại như vậy?

Tiếng Nhật là một ngôn ngữ khó. Nếu bạn không có đủ động lực và quyết tâm, bạn sẽ không đi xa được. Rất nhiều người đã từ bỏ tiếng Nhật vì không đủ động lực và quyết tâm. Nếu bạn học vì thấy hay hay, nếu bạn học vì mọi người cũng học, bạn nên dừng lại. Bạn sẽ chỉ mất thời gian nếu mục tiêu và động lực nửa vời.

Hãy xây dựng một động lực học đủ lớn và một mục tiêu học tiếng Nhật rõ ràng. Ví dụ: Đỗ N5 sau 2 tháng. Đỗ N3 sau 6 tháng, 12 tháng v…v…

Ngoài ra, quan trọng không kém chính là lập ra kế hoạch học tiếng Nhật. Nghe tới từ kế hoạch, nhiều bạn sẽ nghĩ nó không cần thiết. Tuy nhiên, làm việc có kế hoạch sẵn sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu dễ dàng và chắc chắn hơn. Hãy đặt thời gian biểu chi tiết cho từng giờ trong ngày. Phân bổ thời gian học sao cho hợp lý, đủ để thực hiện mục tiêu. Ví dụ: mỗi ngày dành ra 2 tiếng từ 7h tới 9h học 20 từ vựng v…v…

2. Chuẩn bị tinh thần

Khi đã có đủ quyết tâm và kế hoạch, các bạn cần xóa bỏ một số định kiến. Xóa bỏ một số cách suy nghĩ tiêu cực không tốt cho việc học. Ví dụ: “Mình ghi nhớ kém”, hay “Mình không có khiếu học ngoại ngữ” v…v… Đây là những trở ngại tinh thần cho việc học tiếng Nhật do đó hãy thay chúng bằng những suy nghĩ tích cực: “Người khác học được, nhất định mình cũng sẽ học được”, “Người khác học nhanh, mình cũng sẽ tìm được phương pháp học nhanh” v…v…

3. Chuẩn bị sách vở, dụng cụ

Là những người mới, các bạn nên chuẩn bị thật kỹ càng và đầy đủ các đồ dùng cần thiết để quá trình học tập được hiệu quả. Đơn cử như:

– Flashcard học bảng chữ cái, flashcard học Kanji, flashcard học từ vựng. Các bạn có thể mua các cuốn flashcard có sẵn hoặc tự làm cho mình cũng được.

– Sách luyện viết bảng chữ cái Hiragana và Katakana để có thể viết hai bộ chữ này đẹp và chuẩn.

– Bút tập viết hãy dùng các loại bút chì đầu mềm.

– Bộ sách Mina no Nihongo với đầy đủ: giáo trình, CD, sách bài tập, sách luyện Kanji.

– Tập giấy viết sakubun (作文 – tập làm văn). Nếu không có giấy chuyên dụng, các bạn có thể chuẩn bị tập giấy có dòng kẻ ô vuông.

Các bước tiến hành

1 Học bảng chữ cái tiếng Nhật

Ngôn ngữ nào cũng vậy, học bảng chữ cái chính là bước để làm quen với ngôn ngữ mới và cũng là bước nền móng. Bảng chữ cái tiếng Nhật gồm 3 loại: Hiragana (chữ mềm), Katakana (chữ cứng) và Kanji (chữ Hán).

Khác với Hiragana và Katakana, học Kanji là cả một quá trình dài từ khi bắt đầu tới khi thành thạo tiếng Nhật. Bởi bảng chữ Hiragana và Katakana chỉ gồm 46 chữ cái mỗi loại còn số lượng Kanji thì lên tới hơn 2000 chữ. Mỗi một cấp độ khác nhau lại có số lượng Kanji cần nhớ khác nhau. Do vậy, hãy học Kanji dần dần theo từng cấp độ.

Với những người mới nhập môn, trước tiên hãy bắt đầu từ Hiragana và Katakana.

Hãy chia nhỏ, học từng hàng một. Vỡi mỗi chữ cái, hãy tập viết khoảng 10 tới 20 lần, vừa viết vừa đọc thành tiếng. Đừng quên dùng tới hai cuốn luyện viết Hiragana và Katakana đã đề cập ở trên. Để hình thành phản xạ với chữ, hãy tăng dần tốc độ viết. Mỗi chữ viết tầm 10, 20 lần, sau đó chuyển sang phương pháp học nhớ mặt chữ. Không nên sa đà vào viết quá nhiều vì nó khá mất thời gian.

Sau khi đã quen với mặt chữ, hãy luyện tập thật nhiều để nhớ lâu. Có thể sử dụng flashcard để luyện tập. Hoặc nếu không, các bạn có thể tự cắt những mẩu giấy nhỏ, mặt trước ghi chữ cái Hiragana, mặt sau ghi phiên âm chữ để luyện tập. Phương pháp như sau: hãy nhìn mặt giấy ghi chữ cái Hiragana rồi đọc nhanh phiên âm chữ đó. Nếu không nhớ, lập tức lật ra mặt sau để biết chữ đó là gì. Các bạn chớ nên suy nghĩ lâu bởi mục đích là để luyện phản xạ với chữ. Nếu sau khoảng 2 giây mà không thể nhớ ra phiên âm của chữ, hãy lật ra mặt sau để xem đáp án ngay. Bạn càng học nhanh, não sẽ dần quen và bắt kịp tốc độ học.

Trước tiên hãy học khoảng 10 chữ một lượt. Sau khi học xuôi (nhìn Hiragana đoán phiên âm) hãy học ngược (nhìn phiên âm để đoán Hiragana). Tiếp đó các bạn tiếp tục chuyển sang 10 chữ tiếp theo, và tiếp tục lặp lại như vậy.

Yêu cầu : quên không nản, quên là chuyện đương nhiên, luyện lâu sẽ nhớ.

2. Học bộ sách Minna no Nihongo

Sau khi đã thuộc nằm lòng hai bảng chữ cái Hiragana và Katakana, các bạn hãy bắt đầu học tiếng Nhật sơ cấp với bộ sách Minna no Nihongo. Lượng kiến thức của 50 bài trong giáo trình Minna no Nihongo I và II tương đương với cấp độ sơ cấp (JLPT N4). Giáo trình này sẽ cung cấp cho các bạn đầy đủ các bài học cần thiết. Bao gồm: từ vựng, ngữ pháp, Kanji, đọc hiểu, nghe hiểu và các bài kiểm tra để củng cố kiến thức đã học. Về phương pháp học cụ thể, các bạn có thể tham khảo phương pháp dưới đây!

– Học từ vựng:

Có thể sử dụng Flashcard để học. Học xuôi – ngược giữa từ vựng tiếng Nhật và nghĩa tiếng Việt. Bắt đầu từ số lượng từ vựng nhỏ, sau đó tăng dần lên. Học theo nhóm khoảng 10 từ, nhớ rồi thì chuyển sang nhóm 10 từ tiếp theo.

Lưu ý khi học từ vựng: nên học nhanh tránh học dậm chân tại chỗ một vài từ (lúc này chưa nhớ, ừ, kệ nó, lúc sau ôn lại sẽ nhớ). Với mỗi từ vựng hãy học song hành cách đọc và ý nghĩa để nhận biết trước sau đó hãy luyện nhớ lâu. Có thể luyện nhớ lâu bằng cách tập viết khoảng 5 lần mỗi từ với người chưa quen hiragana và katanaka. Với người đã nhớ 2 bộ chữ hiragana và katakana thì tập trung vào cách nhớ theo list từ (theo list học nhanh ở trên). Những từ khó nhớ có thể sáng tạo liên tưởng tới một điều gì đó dễ gợi nhớ.

– Học Kanji:

Tương tự như học bảng chữ cái Hiragana và Katakana, có thể sử dụng Flashcard để học Kanji. Kanji là phần kiến thức khó, nhất là với người mới, do đó hãy bắt đầu với số lượng ít, sau đó mới tăng dần lên.

Khi học cần lưu ý về thứ tự các nét khi viết, nét nào viết trước nét nào viết sau? Có thể tham khảo bài : cách viết chữ Kanji để biết cách viết Kanji. Phiên âm hán việt là gì? Với chữ Kanji này thì có những từ vựng thường gặp nào? Cần rạch ròi giữa âm On và âm Kun, tránh nhầm lẫn qua lại giữa hai âm này.

Lưu ý : Nếu việc nhớ cách viết, âm On âm Kun làm bạn bối rối. Hãy bỏ qua chúng, tập trung vào nhớ những từ thường gặp có chứa chữ Kanji đó là oki.

Trong quá trình học, chắc hẳn các bạn sẽ khó tránh được tình trạng quên từ. Hãy ôn luyện nhiều lần để nhớ lâu và tăng phản xạ nhận biết.

– Học ngữ pháp:

Trước hết, hãy nắm chắc về các từ loại trong tiếng Nhật: danh từ, động từ, tính từ đuôi , tính từ đuôi , trạng từ v…v…

Về cấu trúc câu trong tiếng Nhật, mỗi bài trong giáo trình Minna no Nihongo sẽ cung cấp cho các bạn một hoặc nhiều cấu trúc ngữ pháp cùng những tình huống sử dụng đi kèm. Hãy luyện tập đặt câu theo mẫu, kết hợp sử dụng từ vựng mới học để đặt câu và hình dung tình huống sử dụng. Phương pháp thực hành này sẽ giúp các bạn ghi nhớ cả ngữ pháp lẫn từ vựng. Vận dụng càng nhiều bạn sẽ càng nhớ lâu.

Đặt câu cho các tình huống thực tế trong cuộc sống của bạn, đó là cách nhớ ngữ pháp tốt nhất.

– Luyện nghe, nói:

Với một bài nghe có thể nghe đi nghe lại nhiều lần để quen với phát âm và ngữ điệu. Kết hợp ghi chép lại những gì nghe được và luyện nói theo băng đĩa bằng cách bắt chước theo. Ban đầu, khi chưa quen với tốc độ nói của băng, bạn có thể nói một cách từ từ để làm quen rồi dần dần nói nhanh hơn.

Hãy nghe từng câu cho quen với âm và ngữ điệu của câu. Hãy đọc câu đó (phần phiên âm – tapescript) và nghe để nhận diện xem từ đó người Nhật nói như thế nào. Sau đó nghe nhiều lần để hình thành phản xạ và quen với tốc độ nói tự nhiên

– Luyện đọc hiểu:

Bắt đầu từ những đoạn văn ngắn, nội dung đơn giản trong giáo trình Minna no Nihongo. Trong quá trình đọc, hãy tóm lược nội dung toàn đoạn văn trước rồi mới đi vào chi tiết từng câu. Nhớ ghi chú lại những từ vựng chưa biết.

– Luyện viết Sakubun (作文):

Đây là một dạng tập làm văn trong tiếng Việt. Cấu trúc một bài sakubun bao gồm mở bài, thân bài và kết luận. Hãy bắt đầu tập viết từ những chủ đề đơn giản nhất (như tả người, tả động vật, tả cảnh) sau đó tăng dần độ khó của chủ đề. Luyện viết Sakubun sẽ giúp các bạn dần có được phản xạ tư duy bằng tiếng Nhật.

– Làm bài tập và các đề thi:

Làm bài tập củng cố sau mỗi nội dung bài học. Ngoài ra, sau khi học xong kiến thức ở mỗi cấp độ, hãy luyện làm các đề thi để nắm được cấu trúc đề và cũng để xác nhận năng lực tiếng Nhật ở mức độ nào.

Với 20 bài đầu, các bạn có thể theo quy trình sau để học các bài học trong minna no nihongo : Học từ vựng -> Học Kanji -> Học Ngữ pháp -> Học bài hội thoại -> Làm bài luyện tập -> làm bài tập.

Thời gian cần để học 1 bài minna?

Thời gian đầu khi chưa quen, các bạn cần 6,7 tiếng cho một bài minna. Sau một thời gian quen cách học từ và ngữ pháp, các bạn cần khoảng 5 tiếng cho một bài minna. Chờ vội vã đi quá nhanh, bởi đi quá nhanh mà tích lũy nhiều chỗ không hiểu lại, tới một thời điểm bạn sẽ thấy cực khó, cực nản.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn lộ trình học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu, chi tiết hơn, dễ hiểu hơn, giúp các bạn mới làm quen với tiếng Nhật có thể từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu.


Quản lý bình luận

Đăng ký tư vấn: